Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các hội chứng hậu Covid đang trở thành vấn đề được quan tâm cấp thiết hiện nay. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có hơn 200 triệu chứng Covid-19 kéo dài đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng hồi phục về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của người dân.
Cho đến nay, ở Việt Nam và trên thế giới đều chưa có những nghiên cứu hoàn chỉnh, quy mô lớn về hậu Covid-19, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như mức độ và thời gian của triệu chứng…, nhất là nghiên cứu về những đối tượng trong độ tuổi lao động trẻ từ 16-35 vì đây là lực lượng nòng cốt của phát triển kinh tế, phục hồi hậu Covid-19.
Nhằm thu thập số liệu đánh giá để đưa ra khuyến nghị tới các cơ quan quản lý liên quan đến chính sách về sức khỏe cho thanh niên, lao động trẻ trong giai đoạn hậu Covid-19, nhóm nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu đánh giá tình trạng hậu Covid-19 đối với người trong độ tuổi lao động trẻ tại Việt Nam thông qua các hoạt động của Hành trình thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác diễn ra từ tháng 5 đến hết tháng 12/2022.
Riêng trong tháng 5/2022, nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã khảo sát trên 17.000 người dân tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, trong đó tập trung vào những đối tượng lao động trẻ (từ 16-35 tuổi với hơn 13.300 người, chiếm 77,89%.
Thứ nhất, đa phần bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 từ 2 – 5 tháng (chiếm gần 68%). Tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu Covid-19 nhiều hơn 5 tháng và khoảng gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Thứ hai, bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu Covid-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần (như chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ…) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở).
Thứ ba, mức độ và thời gian bị triệu chứng Covid-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị nhiễm Covid-19 (chỉ 2% dương tính với SARS-CoV-2 nhiều hơn 14 ngày) hay mức độ nghiêm trọng khi bị nhiễm Covid-19 (có triệu chứng nặng và nhập viện khi bị nhiễm Covid-19 dưới 10%).
Thứ tư, tỉ lệ nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới về khả năng bị Covid-19 kéo dài (nữ chiếm 64,63% và nam 35,37%.
Thứ năm, thông qua số đo chiều cao và cân nặng của bệnh nhân, nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số BMI để phân loại và ghi nhận 28,74% bệnh nhân thiếu cân và 8,71% bệnh nhân bị béo phì, cho thấy dinh dưỡng không đầy đủ hoặc béo phì cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có nhiều khả năng bị kéo dài triệu chứng Covid-19.
Thứ sáu, có tới 70,8% bệnh nhân có ý thức tự rèn luyện sức khỏe (tập thể dục, tập thở) sau khi bị nhiễm Covid-19, đồng thời nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng chăm sóc sức khỏe của người dân dịch chuyển dần theo hướng số hóa. Có đến 33% người bệnh có xu hướng chọn việc theo dõi thường xuyên và chăm sóc sức khỏe qua app điện thoại; tỉ lệ người dân lựa chọn biện pháp truyền thống là đến bệnh viện khám chiếm 36,3%. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành y tế khi người dân đã sẵn sàng với các dịch vụ y tế từ xa, giảm tải dần gánh nặng cho tuyến điều trị.
Nghiên cứu cũng chỉ ra đối với nhóm lao động trẻ, bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng Covid-19 kéo dài (chỉ 3,6% bệnh nhân có bệnh lý nền). Tuy nhiên, qua phân tích hồi quy, nghiên cứu cho thấy, đối với bệnh nhân giới tính nam, có thời gian mắc Covid-19 trên 14 ngày, hút thuốc lá, uống rượu bia và không tập thể dục đều sẽ làm tăng nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu Covid-19.
- 4 câu hỏi thường gặp khi học liên thông cao đẳng dược
- Trường hợp nào thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp THPT?
- ĐỐI TƯỢNG HỌC NGÀNH KỸ THUẬT XÉT NGHIỆM Y HỌC LÀ AI?
- Bộ Công an xác nhận đề Toán bị đăng lên mạng trong giờ thi tốt nghiệp
- Điều dưỡng viên là gì? Vai trò của Điều dưỡng viên trong hệ thống y tế như thế nào?