Vì sao nhiều thí sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội hơn KHTN khi thi tốt nghiệp?

Thực tế tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, xu hướng thí sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội ngày càng nhiều.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2019, số thí sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội  là 52,83%; năm 2020 tỉ lệ này là 55,38%; năm 2021 là 55,38% và năm 2022 tỉ lệ này tăng lên 55,53%.

Tỉ lệ thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học xã hội liên tiếp áp đảo trong 4 năm qua. Biểu đồ: Doãn Nhàn (Số liệu theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Văn Bình – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Điền (Huế) thông tin, năm học 2022 trường có 132 thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong đó, chỉ có 16 học sinh lựa chọn bài thi Khoa học tự nhiên (chỉ chiếm 12,1%), còn lại các em đều thi tổ hợp Khoa học xã hội, chiếm tới 87,9%.

Nói về sự chênh lệch này, thầy Bình cho rằng đây là xu hướng chung của các thí sinh vùng ven: “Tỉ lệ thí sinh ưu tiên lựa chọn bài thi khoa học xã hội là giải pháp an toàn giúp các em đủ điều kiện để xét tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Tương tự, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chi Lăng (Lạng Sơn), cô Ngô Thị Thương cho biết, các năm gần đây, hầu hết các thí sinh của trường đều lựa chọn bài thi khoa học xã hội để tham gia kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Năm nay trường có 387 học sinh khối 12 tham gia dự thi tốt nghiệp, trong đó có 36 học sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên (chiếm 9,3%), số còn lại đều đăng ký chọn tổ hợp khoa học xã hội (chiếm 90,7%)”.

Tỉ lệ này theo cô Thương cũng xấp xỉ tương đương với các năm học trước.

Xu hướng học sinh ưu tiên chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội cũng xảy ra ở các đô thị lớn. Ảnh minh họa: Dương Hà

Lý giải điều này, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chi Lăng cho rằng: “Do đặc thù của học sinh ở miền núi, các em học môn tự nhiên không được tốt lắm nên thường lựa chọn các môn thi xã hội là giải pháp an toàn nhất để tránh bị điểm liệt. Còn với các em chọn thi tổ hợp khoa học tự nhiên thường là những em có năng lực thật sự”.

Mặc dù việc lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội là giải pháp an toàn với các em học sinh để tránh điểm liệt, tuy nhiên, theo cô Thương, điều này cũng ảnh hưởng nhất định tới chất lượng nguồn nhân lực của cả nước.

“Chất lượng giáo dục ở các tỉnh miền núi có hoàn cảnh kinh tế – xã hội còn khó khăn thường không thể bằng được với các tỉnh miền xuôi.

Vì vậy, xu hướng các em học sinh ở miền núi sẽ chọn thi môn khoa học xã hội nhiều hơn các em ở miền xuôi. Điều này phần nào gây khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với những ngành liên quan tới khoa học – công nghệ.

Đây cũng là một trong những lý do làm tăng khoảng cách chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực giữa các tỉnh, thành phố”.

Thực tế tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, xu hướng thí sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội ngày càng nhiều cũng xảy ra ở các thành phố lớn.

Thầy Phạm Huy Thiệp – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hồng Thái (Hà Nội) cho biết, năm nay trường có 537 thí sinh dự thi tốt nghiệp; trong đó có 415 thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội (chiếm 77,3%), chỉ 122 thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên (chiếm 22,7%).

Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bắc Lương Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, trong tổng số 368 học sinh dự thi tốt nghiệp năm nay, chỉ có 22 em chọn bài thi khoa học tự nhiên (chiếm 6%), số còn lại 346 em chọn bài thi khoa học xã hội (chiếm khoảng 94%).

Thầy Nguyễn Khắc Ngọc – Giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đánh giá về xu hướng thí sinh ngày càng ưu tiên lựa chọn bài thi khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng:

“Đây là xu hướng dễ hiểu vì với học sinh, chọn cách nào đơn giản nhất, nhanh nhất mà lại đạt được điểm cao thì tất nhiên các em sẽ làm.

Với các môn thuộc tổ hợp khoa học xã hội tính chất học thuộc vẫn còn nhiều, vì vậy các em học sinh có thể cần ít thời gian để học và ôn thi hơn, nhưng vẫn dễ đạt được điểm cao.

Trong khi đó, các môn khoa học tự nhiên yêu cầu tư duy logic, phải nắm vững hệ thống kiến thức từ lớp 10, lớp 11 và lớp 12 mới có thể hiểu và làm bài tốt được.

Nhìn vào phổ điểm thi tốt nghiệp qua các năm, chúng ta dễ dàng nhận thấy các môn khoa học xã hội có tỉ lệ điểm cao nhiều hơn so với các môn khoa học tự nhiên.

Do đó, nhiều em học sinh với mục đích tốt nghiệp trước mắt, đương nhiên sẽ lựa chọn tổ hợp môn khoa học xã hội để thi.

“Hiện nay xu hướng các trường đại học tự chủ, đa dạng hình thức xét tuyển. Thí sinh có thể chọn xét tuyển bằng thi đánh giá năng lực, diện tuyển thẳng đại học, xét tuyển bằng học bạ…Thầy Ngọc cũng chỉ ra một trong những lý do khiến học sinh ngày càng “chuộng” tổ hợp khoa học xã hội hơn vì sự đa dạng trong cách xét tuyển của các trường đại học hiện nay.

Các tổ hợp môn xét tuyển cũng mở rộng và đa dạng các môn hơn. Không giống như ngày xưa, các tổ hợp xét tuyển chỉ giới hạn ở những khối thi truyền thống như khối D, A, A1, B,… tức là các khối có chứa môn tự nhiên rất nhiều. Hiện tại, nhiều trường đại học xét tuyển với nhiều tổ hợp mới trong đó có môn xã hội. Vì vậy, đương nhiên sẽ có nhiều em lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội để thi.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 được tổ chức vào ngày 7, 8/7. Bên cạnh 3 môn thi bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, thí sinh lựa chọn thêm 1 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Theo GDVN