Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, virus gây bệnh Covid-19 vẫn tồn tại nhưng thế giới đang bắt đầu ra khỏi giai đoạn khẩn cấp của đại dịch.
Ngày 26/4, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, thông tin số ca tử vong do Covid-19 đã giảm 95% kể từ đầu năm.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi số ca tử vong do Covid-19 sụt giảm liên tục. Tuy nhiên, một số quốc gia đang có sự gia tăng và trong 4 tuần qua, 14.000 người đã thiệt mạng vì căn bệnh này. Sự xuất hiện của biến thể XBB.1.16 cho thấy virus đang thay đổi và có khả năng gây ra những đợt bệnh và tử vong mới”, ông Tedros nói.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO
Theo Reuters, vào tuần tới, WHO sẽ xuất bản hướng dẫn cho các quốc gia về cách chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang kiểm soát dài hạn đối với Covid-19.
“Chúng tôi hy vọng rằng vào một thời điểm nào đó trong năm nay, chúng ta có thể tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Nhưng loại virus này vẫn tồn tại và tất cả các quốc gia cần học cách kiểm soát Covid-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác”, ông Tedros nói.
Theo CNA, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, chia sẻ, các dòng phụ XBB của Omicron đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới. Các biến thể này có khả năng lây lan nhanh và trốn tránh miễn dịch. Mọi người có thể bị tái nhiễm dù đã tiêm vắc xin hoặc từng nhiễm bệnh trước đó.
Bà Kerkhove kêu gọi tăng cường giám sát thông qua xét nghiệm để theo dõi virus và hiểu từng đột biến. Từ đó, các nhà chuyên môn có thể cải tiến thành phần vắc xin và cách điều trị.
Ông Tedros nói, ước tính cứ 10 ca nhiễm Covid-19 thì có một ca bị hội chứng Covid-19 kéo dài. Điều đó cho thấy hàng trăm triệu người sẽ cần được chăm sóc lâu dài.
Người đứng đầu WHO cũng lưu ý đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng. Khoảng 67 triệu trẻ em đã bỏ lỡ ít nhất một mũi tiêm thiết yếu trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021. Tỷ lệ tiêm chủng đang quay trở lại mức năm 2008, dẫn đến sự bùng phát dịch sởi, bạch hầu, bại liệt và sốt vàng da.
Ông Tedros nói, tất cả các quốc gia phải giải quyết các rào cản đối với việc tiêm chủng, cho dù đó là khả năng tiếp cận, tính sẵn có, chi phí hay thông tin sai lệch.
(Theo Reuters)
Xem thêm:
- TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÓ ĐÀO TẠO NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG TỐT NHẤT HIỆN NAY
- Hướng dẫn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2023 trực tuyến? Cần lưu ý những gì trong quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023?
- Tuyển sinh Cao đẳng Dược năm 2023
- Tọa đàm kỉ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- Trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam: Thông báo hủy chương trình lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Trường