6 DẤU HIỆU CẢNH BÁO SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN

6 DẤU HIỆU CẢNH BÁO SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN 

SKĐS – Suy giãn tĩnh mạch chân là một bệnh lý phổ biến, gây ra sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến máu bị ứ đọng lại ở vùng chân, gây biến đổi về huyết động và làm biến đổi các tổ chức mô xung quanh.

Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân

Bình thường máu từ tĩnh mạch chân trở về tim, được đẩy ngược lại trọng lực bằng nhiều cách khác nhau (sự co cơ bắp của chân hoạt động như 1 máy bơm, lòng bàn chân đè xẹp đẩy máu khi đi bộ…) kèm với các van trong tĩnh mạch ngăn cản sự trào ngược.

Sự xuất hiện của giãn tĩnh mạch thường do các van tĩnh mạch bị suy yếu, không đóng chặt dẫn đến máu quay ngược trở lại, ứ đọng trong các tĩnh mạch và làm giãn tĩnh mạch.

Nguyên nhân suy giãn tĩnh mạch chân thường không rõ, nhưng suy tĩnh mạch có thể là hậu quả từ suy van tĩnh mạch hoặc do sự giãn nở ban đầu của tĩnh mạch do yếu cơ cấu trúc. Ở một số người, suy tĩnh mạch chi dưới thường do chứng suy tĩnh mạch mạn tính và tăng áp lực tĩnh mạch. Hầu hết mọi người không có các yếu tố nguy cơ rõ ràng.

Một số yếu tố nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch chân:

  • Tuổi cao.
  • Thường gặp ở nữ giới hơn nam giới.
  • Nghề nghiệp và thói quen đứng lâu một chỗ.
  • Có thể liên quan di truyền.
  • Một số thuốc chống trầm cảm có thể tăng nguy cơ mắc suy tĩnh mạch chi dưới.
  • Dùng thuốc ngừa thai uống và nội tiết tố không có liên quan đến suy tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch chân, không làm tăng nguy cơ mắc bệnh này, tuy nhiên có thể liên quan đến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Mang thai và sinh đẻ nhiều lần cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc suy dãn tĩnh mạch chi dưới.
  • Béo phì.
  • Hút thuốc lá.
  • Táo bón kinh niên.

Suy giãn tĩnh mạch chân là một bệnh lý phổ biến.

Biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch chân

Trước khi xuất hiện các tĩnh mạch giãn, suy tĩnh mạch chân có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác như:
 

  • Cảm giác nặng bắp chân.
  • Cảm giác khó chịu hoặc co giật bắp chân.
  • Cảm giác bất thường (nóng rát, điện giật, dị cảm…) ở chi dưới.
  • Ngứa, chuột rút trong bắp chân, thường xảy ra vào ban đêm.
  • Phù mắt cá, bắp chân hoặc đùi, tăng lên khi nhiệt độ nóng.
  • Tĩnh mạch mạng nhện: Là mạng lưới các mạch máu nhỏ, màu đỏ, dưới da, đôi khi có dạng hình sao.

Những triệu chứng này giảm đi khi nằm, khi chân được nâng lên, khi tiếp xúc với lạnh hoặc khi tập thể dục.

Ngược lại chúng sẽ tăng lên trong suốt ngày, khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng (phòng xông hơi, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sưởi ấm sàn nhà…), khi đứng hoặc ngồi lâu, khi tăng cân, khi mang thai hoặc trong kỳ kinh nguyệt.

Ở giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch, ta có thể quan sát thấy sự giãn nở của một hoặc nhiều tĩnh mạch, ban đầu chúng là mảnh vải mong manh (dưới 3 mm đường kính). Sau đó, chúng trở nên rõ ràng hơn và có màu xanh da trời và uốn cong, có thể cảm nhận được dưới da của bắp chân hoặc đùi.

Ở giai đoạn muộn của bệnh có thể xuất hiện các vết loét, hoại tử bàn chân, cẳng chân.

Suy giãn tĩnh mạch chân có nguy hiểm?

Cuộc sống của mỗi người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch là khác nhau. Bệnh có thể ổn định suốt cuộc đời hoặc tiến triển dần, thậm chí là gây ra các biến chứng.

Biến chứng cấp tính của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân:

– Huyết khối tĩnh mạch nông hoặc viêm tĩnh mạch nông.

– Huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc viêm tĩnh mạch sâu.

– Vỡ giãn tĩnh mạch.

Biến chứng mạn tính của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân:

– Sự chậm lại trong tuần hoàn tĩnh mạch hoặc tắc nghẽn tĩnh mạch, gây ra biến chứng trên da như viêm da cơ địa, phù hoặc ngứa trên chân.

– Rối loạn dinh dưỡng da và mô dưới da.

– Loét ở chân, đây là biến chứng đáng sợ nhất và là giai đoạn cuối của bệnh. Thường xuất hiện vết loét ở mắt cá chân, có thể đi kèm với phù. Nếu không được điều trị, loét trở nên mạn tính. Bệnh không lành và gây ra nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu, trong một số trường hợp hiếm có thể sẽ biến đổi thành ung thư.

Lời khuyên thầy thuốc

Bệnh suy giãn tĩnh mạch tiến triển chậm, các triệu chứng ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện. Vậy nên người dân nếu có các yếu tố nguy cơ cao thì nên để ý đến các triệu chứng ban đầu như: Nóng đỏ chân, cảm giác tê bì hoặc nặng chân khi đứng lâu thì cần kịp thời đến thăm khám để được điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển đến các biến chứng làm giảm chất lượng cuộc sống. Siêu âm mạch chi dưới là chỉ định cận lâm sàng đầy tay nhằm chẩn đoán xác định bệnh.

Ở các giai đoạn đầu, các bác sĩ khuyến cáo nên điều trị bằng các phương pháp nội khoa kết hợp thay đổi lối sống như: Nâng cao chân khi ngủ hoặc khi ngồi, mang tất áp lực, tránh đứng trong thời gian dài, giảm ân nếu thừa cân, tập thể dục để cải thiện sức mạnh của đôi chân.

Nếu thay đổi lối sống mà không làm giảm triệu chứng bệnh, cần lựa chọn các biện pháp điều trị can thiệp khác như: Tiêm xơ tĩnh mạch; Điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần (RFA) hay tia laser hay điều trị ngoại khoa.

 Nguồn: Báo Sức khỏe&Đời sống.