Rạng danh nghề cao quý
Là giảng viên cao cấp của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thầy Nguyễn Viết Lâm vẫn luôn nhớ những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”; “… những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.
Thầy Lâm không khỏi tự hào về nghề nghiệp và vị trí nhà giáo của mình. Là một trong những nhà giáo tiêu biểu của toàn quốc được yết kiến Thủ tướng Chính phủ dịp 20/11/2021, thầy Lâm bày tỏ, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao.
“Chúng tôi sẽ mãi mãi làm rạng danh danh hiệu cao quý đã được Chủ tịch nước nước và Bộ GD&ĐT trao tặng, sẽ tiếp tục làm việc và cống hiến bằng cả tài và đức của mình cho sự nghiệp trồng người, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 NQ/TW, tất cả để sự nghiệp GD-ĐT của chúng ta thực sự trở thành quốc sách hàng đầu” – thầy Lâm nói.
Hơn 9 năm công tác tại Trường Mầm non xã Bằng Lãng (Chợ Đồn, Bắc Kạn), cô Nguyễn Thị Dung cho biết, nơi cô công tác cách trung tâm thị trấn 8 km là một ngôi trường nhỏ với gần 100 cháu học sinh 100% là người dân tộc thiểu số.
Nhiều học sinh tại đây có hoàn cảnh khó khăn, có cháu không đủ điều kiện để đi học, lớp học cách nhà hàng chục km đường rừng. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Dung và các đồng nghiệp đã duy trì vận động từng gia đình cho các em đến trường. Cô và nhiều giáo viên khác còn góp tiền để mua thức ăn, lo cho học trò bữa cơm có đủ thịt, cá, rau.
Cô Dung cho hay, các thầy cô ở đây kiên trì bám bản, bám lớp, mặc dù lớp học trên đỉnh đồi, xe máy không đi được phải trèo đèo, lội suối để đến trường gieo từng con chữ với mong muốn ngày mai sẽ tươi sáng với các con.
Dù còn nhiều thiếu thốn và vất vả, nhưng cô Dung khẳng định, khó khăn mấy cũng không khiến cô chùn bước, nản chí. “Tôi tự hào vì mình là “Kỹ sư tâm hồn”, là người kiến tạo tương lai” – cô Dung bộc bạch và cho biết, chính những người bạn, người đồng nghiệp luôn hết lòng với học trò đã là những tấm gương sáng để tôi học tập và noi theo. Các em nhỏ chính là động lực để tôi bám trường, bám lớp, nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.
Lấy trách nhiệm và cái tâm của người thầy để phấn đấu
21 năm đứng trên bục giảng, cô Lê Thị Xuân Diễm – Trường THPT Lê Quý Đôn (Bến Tre) bộc bạch: Thời gian đủ dài để cô khẳng định, mình đã lựa chọn đúng nghề.
“Càng đứng trên bục giảng tôi càng thấm thía hơn nghiệp làm thầy. Xã hội càng phát triển đòi hỏi người thầy cũng phải đổi mới không ngừng, xã hội đã đặt lên vai người giáo viên chúng tôi trọng trách vô cùng lớn “Dạy chữ và dạy người” – cô Diễm quả quyết.
Nhớ lại, có lần tình cờ đọc được bức thư của một phụ huynh gửi cho thầy cô giáo bằng lời lẽ chân thành và cảm động; cô Xuân kể, bức thư đó có đoạn: “Xin hãy dạy cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng lặng thầm. Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận và vượt qua nếu thi trượt. Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã, dạy cho cháu biết trân trọng trái tim và nét đẹp của tâm hồn”.
“Tôi biết ơn xã hội, biết ơn phụ huynh và học sinh vẫn luôn tôn vinh nghề giáo vẫn và gửi vào chúng ta niềm tin” – cô Diễm tâm sự và nhấn mạnh: nghề dạy học là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Cô Diễm tự nhủ, sẽ cố gắng và phải càng cố gắng nhiều hơn nữa trong giai đoạn hiện nay. Cô sẽ lấy trách nhiệm và cái tâm của người thầy để cùng phấn đấu. Chỉ có chất lượng, hiệu quả mới khẳng định được vị thế của ngành Giáo dục.