DÙNG THỰC PHẨM BỔ SUNG CÓ GÂY HẠI ?​

DÙNG THỰC PHẨM BỔ SUNG CÓ GÂY HẠI ?​

SKĐS – Thực phẩm bổ sung không có nghĩa là vô hại. Quá liều, tương tác thuốc, tác dụng phụ… là những rủi ro mà người dùng có thể gặp phải khi sử dụng.
Thực phẩm bổ sung là các sản phẩm được thiết kế để bổ sung dưỡng chất, như vitamin, khoáng chất, axit amin, các chất chống oxy hóa, hoặc các hợp chất khác mà người tiêu dùng có thể không được cung cấp đủ từ chế độ ăn uống hàng ngày.

Nhiều người sử dụng thực phẩm bổ sung để giảm béo, tăng cường sức khoẻ, phục hồi sinh lực, thậm chí phòng và chữa bệnh… Thường được coi là vô hại nhưng trong một số trường hợp nhất định, thực phẩm bổ sung có thể khiến người dùng gặp rủi ro. Tùy thuộc vào thành phần, thực phẩm bổ sung có nguy cơ xảy ra tác dụng phụ và tương tác với các thuốc khác gây độc tính.

1. Không nhầm lẫn thực phẩm bổ sung là thuốc chữa bệnh

Mặc dù có cách trình bày và cách đóng gói tương tự (viên nang, bột, viên ngậm, viên nén, siro…) nhưng thực phẩm bổ sung là những sản phẩm được bán mà không cần đơn và không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh. Vì vậy, không dùng thực phẩm bổ sung để thay thế cho việc điều trị y tế.

Thực phẩm bổ sung là những sản phẩm được bán mà không cần đơn bác sĩ.

Nếu đang đối mặt với vấn đề sức khỏe hoặc bệnh tật, quan trọng nhất là người bệnh cần tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế chứ không nên tự ý dựa vào thực phẩm bổ sung để chữa bệnh. Đồng thời, nhằm mục đích bổ sung – không thay thế – một chế độ ăn uống lành mạnh nên có nghĩa là ngay cả khi đang dùng thực phẩm bổ sung, vẫn cần phải có chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng.

2. Các tác dụng phụ và tương tác tiêu cực có thể xảy ra

Ngay cả khi dùng với liều lượng khuyến cáo, thực phẩm bổ sung có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực. Các tác dụng phụ thường được báo cáo thường là buồn nôn, tiêu chảy hoặc nhức đầu. Đặc biệt, chất bổ sung sắt được biết là gây rối loạn tiêu hóa. Một số thành phần bổ sung, đặc biệt là thảo dược, có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như phản ứng dị ứng, tăng huyết áp và nhịp tim cao hoặc không đều.

Ngoài ra, các thành phần trong thực phẩm bổ sung, bao gồm vitamin, khoáng chất, thảo dược và các loại thực vật khác, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn, khi kết hợp với một số loại thuốc, chất bổ sung khác, thực phẩm và rượu…

Ví dụ, bổ sung vitamin E có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở những người dùng thuốc làm loãng máu, trong khi bổ sung canxi có thể hạn chế hiệu quả của kháng sinh và làm giảm sự hấp thu sắt từ thực phẩm và chất bổ sung.

Một số chất bổ sung cũng có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm. Ví dụ, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ – FDA đã từng đưa ra cảnh báo rằng, các chất bổ sung có chứa biotin (vitamin B7) có thể làm giảm kết quả xét nghiệm dựa trên troponin, một dấu ấn sinh học quan trọng được sử dụng để giúp chẩn đoán các cơn đau tim.

Ngay cả khi dùng với liều lượng khuyến cáo, thực phẩm bổ sung có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực.

3. Nguy cơ khi sử dụng thực phẩm bổ sung quá liều

Một trong những mối lo ngại khi tiêu thụ vitamin và khoáng chất thông qua thực phẩm bổ sung thay vì từ thực phẩm là nguy cơ tiêu thụ quá liều, gây độc.
Ngoài lượng được khuyến nghị, vitamin và khoáng chất còn có mức UL (Upper tolerable intake level) là mức tối đa mà một người có thể tiêu thụ mỗi ngày thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung mà không gây nguy hại đến sức khỏe.
UL được xác định để đảm bảo lượng chất dinh dưỡng hấp thụ cao nhất mà không có khả năng gây ra tác dụng phụ tiêu cực trong dân số nói chung. Tuy nhiên UL cho vitamin và khoáng chất thay đổi theo độ tuổi và giới tính. Ngoài ra còn có các khuyến nghị riêng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Các vitamin tan trong chất béo được đặc biệt quan tâm khi có nguy cơ nhiễm độc, vì lượng quá nhiều có thể tích tụ và tích trữ trong cơ thể. Việc tiêu thụ quá nhiều vitamin A, D và E có thể gây độc và dẫn đến các tác dụng phụ như nhịp tim không đều, tổn thương nội tạng, xuất huyết, đột quỵ do xuất huyết và trong trường hợp nghiêm trọng, thậm chí hôn mê và tử vong.
Việc dùng thường xuyên các vitamin tan trong nước với liều lượng cao có thể gây khó chịu về tiêu hóa, tổn thương gan và thậm chí có thể gây tổn thương thần kinh không thể phục hồi. Do đó, trừ khi có sự giám sát của chuyên gia y tế, điều quan trọng là không vượt quá giới hạn cho phép của vitamin hoặc khoáng chất.
Ngoài ra, do UL của trẻ em thường thấp hơn nhiều so với người lớn nên trẻ em đặc biệt có nguy cơ cao bị quá liều và nhiễm độc.
Vì lý do an toàn, luôn để thực phẩm bổ sung ngoài tầm tay trẻ em. Điều này đặc biệt quan trọng đối với vitamin dạng kẹo dẻo vì hương vị ngọt ngào của chúng có thể hấp dẫn trẻ.
Do các tương tác tiềm ẩn và lo ngại về an toàn, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung nào, đặc biệt nếu bạn đang mang thai, cho con bú, đang dùng thuốc hoặc đang có hoặc nghi ngờ mình mắc bệnh lý.

Nguồn: Báo Sức khỏe&Đời sống