Dân số Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang bước vào giai đoạn già hóa. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm từ 10 – 19,9% dân số trong giai đoạn 2026 – 2054. Số lượng người già cộng thêm người khuyết tật do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và các bệnh khác tăng cao sẽ kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Đây được coi là một ngành nghề rất quan trọng trong tương lai, với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe của thời đại mới. Vậy vật lý trị liệu là gì? Học vật lý trị liệu phục hồi chức năng ở đâu?… Hãy cùng Trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam tìm hiểu nhé!
Vật lý trị liệu là gì?
Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị y tế được sử dụng để phục hồi các cử động chức năng (đứng, đi bộ hay chuyển động các bộ phận cơ thể khác nhau,…).
Đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho các tình trạng chấn thương gây ra rối loạn chức năng vận động hoặc hạn chế khả năng vận động. Chẳng hạn, nếu bạn là vận động viên điền kinh và có dấu hiệu đau đầu gối, các bác sĩ vật lý trị liệu có thể đánh giá tình trạng và lên kế hoạch điều trị để phục hồi chức năng cơ gối, giúp bạn chạy mà không bị đau.
Ngành Vật lý trị liệu học gì?
Ngành vật lý trị liệu và phục hồi chức năng là ngành học chuyên khoa về kỹ thuật Y học. Một số môn chuyên ngành trong ngành này bao gồm:
- Giải phẫu người
- Các nguyên tắc cơ bản của chuyển động
- Phương pháp nghiên cứu
- Thực hành lâm sàng
- Sinh học và di truyền
- Dược lý
- Nguyên tắc tập luyện
- Động học và cơ sinh học
- Xoa bóp trị liệu
Các chuyên ngành ngành Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng
Dưới đây là các lĩnh vực trong ngành vật lý trị liệu mà bạn có thể theo đuổi:
- Vật lý trị liệu nhi khoa: Nếu yêu mến và thích chơi đùa với trẻ em, vật lý trị liệu nhi khoa có thể là chuyên khoa dành cho bạn. Các nhà trị liệu vật lý trong lĩnh vực này làm việc với nhiều đối tượng trẻ em, từ trẻ sơ sinh đến thanh thiếu niên.
- Vật lý trị liệu thể thao: Chấn thương là một điều không thể tránh khỏi đối với các vận động viên, và một bác sĩ trị liệu sẽ giúp họ cải thiện chức năng cơ bắp và trở lại với sự nghiệp một cách nhanh chóng nhất.
- Lão khoa: Vật lý trị liệu lão khoa là một lĩnh vực đang phát triển, khi thế hệ trẻ bắt đầu già đi và gặp nhiều tình trạng liên quan đến tuổi tác. Các nhà vật lý trị liệu trong lĩnh vực này đa phần làm việc với các bệnh nhân cao tuổi để giúp họ giảm bớt cơn đau do viêm khớp, loãng xương, cứng khớp nói chung và đau nhức.
- Điện sinh lý học lâm sàng: Điện sinh lý học lâm sàng bao gồm hai hình thức điều trị riêng biệt: điện trị liệu và xử trí vết thương. Liệu pháp điện liên quan đến việc sử dụng điện cơ (EMG) – một thủ tục để xác định sức khỏe của cơ và tế bào thần kinh. Với thông tin này, các nhà vật lý trị liệu có thể giúp điều trị các rối loạn ở cơ hoặc dây thần kinh của bệnh nhân.
- Chỉnh hình: Chuyên khoa vật lý trị liệu phổ biến nhất là vật lý trị liệu chỉnh hình, bao gồm điều trị các tình trạng của xương, cơ, dây chằng, gân và khớp.
Vì sao nên học Vật lý trị liệu?
Là một nhà trị liệu vật lý, bạn sẽ được giúp đỡ những người khác cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua các bài tập được chỉ định, từ đó giúp họ trở lại cuộc sống bình thường với chức năng vận động tối đa.
Ngoài ra, theo Cục Thống kê Lao động, nhu cầu về vật lý trị liệu dự kiến sẽ tăng 21% từ năm 2020 đến năm 2030, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình cho tất cả các nghề. Bên cạnh đó, mức lương trung bình hàng năm của một nhà trị liệu vật lý lên đến $60.000 (Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, tháng 5/2021). Tất nhiên, mức lương này thay đổi tùy theo vị trí, kinh nghiệm, bằng cấp, vị trí và cơ sở hành nghề. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là khi dân số ngày càng già đi và đời sống ngày càng phát triển, thế giới sẽ cần đến các bác sĩ vật lý trị liệu.
Bạn có phù hợp với ngành Vật lý trị liệu?
Dưới đây là một vài kỹ năng và phẩm chất của nhà vật lý trị liệu. Hãy xem bạn có phù hợp không nhé!
- Tính kiên nhẫn: Phục hồi chức năng vận động của bất kỳ nhóm cơ nào đều không phải là một việc đơn giản, có thể hoàn thành trong 1 vài ngày hay 1 vài tuần. Vì thế, bạn phải giữ được bình tĩnh, kiên nhẫn và động viên bệnh nhân mỗi ngày.
- Sự quyết tâm: Nghe thì có vẻ không liên quan đến ngành vật lý trị liệu, nhưng đây chắc chắn là một tính cách cần thiết khi làm ngành này. Bạn phải luôn sẵn sàng để đối mặt với tất cả các trường hợp bệnh nhân, dù nặng hay nhẹ, dễ hay khó phục hồi. Đặc biệt, khi bệnh nhân cảm thấy muốn bỏ cuộc, bạn cần khuyến khích họ tiếp tục và thể hiện quyết tâm giúp họ chữa bệnh.
- Lòng nhân ái: Chắc chắn đây là tính cách cần thiết của bất kỳ ai làm trong ngành Y khoa. Lòng nhân ái, sự đồng cảm và thương yêu bệnh nhân sẽ giúp bạn vượt qua bất kỳ khó khăn nào trong sự nghiệp.
- Kỹ năng giao tiếp: Là bác sĩ trị liệu, bạn cần gặp gỡ và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mỗi ngày. Vì thế, khả năng giao tiếp khéo léo sẽ là một điểm cộng khi bạn theo học vật lý trị liệu.
Sinh viên ngành Vật lý trị liệu làm gì khi ra trường?
Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc tại các bệnh viện, phòng khám, trung tâm phục hồi chức năng, viện dưỡng lão hoặc các đoàn thể thao. Cụ thể, bạn có thể làm tại các vị trí sau:
Bác sĩ trị liệu:
- Khám và đưa ra đánh giá về tình trạng bệnh nhân
- Tham gia hội chẩn để tìm ra các phương án tối ưu cho bệnh nhân
- Đưa ra phương pháp điều trị cụ thể
- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân trong quá trình điều trị
- Tư vấn, giải thích thắc mắc cho bệnh nhân về quá trình phục hồi chức năng
- Ghi chép quá trình điều trị của bệnh nhân
Kỹ thuật viên Vật lý trị liệu:
- Lấy đầy đủ thông tin của bệnh nhân từ bệnh án hoặc các bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đó
- Quan sát tình trạng của người bệnh và đưa ra đánh giá về khả năng phục hồi
- Lên kế hoạch tập luyện, đưa ra các mục tiêu điều trị và đánh giá chất lượng từng buổi điều trị để thay đổi nếu cần thiết
- Trực tiếp điều trị, hướng dẫn hoặc sử dụng các máy móc có ứng dụng phương pháp vật lý trị liệu để điều trị cho người bệnh
- Sử dụng các máy móc trong điều trị. Thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của máy và báo cáo sửa chữa kịp thời nếu có vấn đề xảy ra
- Giải thích và hướng dẫn cho người bệnh cùng gia đình để phối hợp điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất
- Ghi chép đầy đủ thông tin cần thiết trong quá trình vật lý trị liệu và phục hồi chức năng
Xem thêm: