Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên cần phải thay đổi cách giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhanh nhất khi kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần.
Việc tổ chức giảng dạy các hoạt động lên lớp của giáo viên sẽ phải hướng đến chủ thể chính là người học, Đây là khâu vô cùng quan trọng trong tiến trình giáo viên truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Đổi mới ngay từ các bài giảng trên lớp
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được áp dụng trong những năm gần đây tại một số trường. Bên cạnh việc đổi mới phương pháp dạy học theo dạng chủ đề, tài liệu thì vấn đề thực hành thực tế, hoạt động trên lớp được đẩy mạnh. Tiến trình lên lớp được thay đổi gồm 5 bước hoạt động: Gợi mở, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng kiến thức và tìm tòi.
Khi học theo các chủ đề, học sinh sẽ cần phải tự phân công trong nhóm để tìm hiểu trên cơ sở nội dung có sẵn trong bài, trong tài liệu lý thuyết, từ đó có hướng để tìm hiểu về bài học cũng như bám kỹ từng nội dung.
Khi đến tiết học, trên cơ sở nội dung đã chuẩn bị, học sinh sẽ trực tiếp lên trình bày theo nhóm và được gọi ngẫu nhiên. Như vậy học sinh luôn tự có ý thức học bài, tìm hiểu bài trước khi đến lớp.
Sau khi nhóm trình bày, các nhóm khác sẽ đóng góp và bổ sung ý kiến để làm rõ vấn đề trong bài học. Các nhóm sẽ đặt câu hỏi cho nhau, những câu hỏi hay sẽ được khuyến khích bằng điểm số để khích lệ sự tham gia của lớp. Thông qua những hoạt động này, các em có sự đánh giá về mức độ hiểu bài cũng như ứng dụng vào việc làm bài tập.
Sau khi học sinh trao đổi và khẳng định được các nội dung bài học, giáo viên sẽ tổng hợp lại lượng kiến thức trọng tâm. Với cách tổ chức như vậy sẽ giúp học sinh tự hình thành được kiến thức trên cơ sở chủ động tìm hiểu.
Phương pháp đổi mới mang lại nhiều ưu việt
Theo thầy Đỗ Hà – Giảng viên Khoa Dược Trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam cho biết, phương pháp này không chỉ áp dụng đối với cấp THPT mà các cấp học khác nhau cũng cần áp dụng, giúp học sinh, sinh viên có cái nhìn thực tế hơn đối với những kiến thức đang học. Tuy nhiên để áp dụng được hiệu quả đỏi hỏi thầy cô cần phải có sự linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Trong bước hình thành kiến thức cho học sinh, giáo viên sẽ yêu cầu các nhóm phân công nhau để trình bay nội dung đã chuẩn bị. Trong bước vận dụng, học sinh được tìm hiểu với những liên hệ gần hơn với thực tế. Tiếp theo giáo viên sẽ gợi ý cho học sinh tìm hiểu thêm một số tài liệu có liên quan để có kiến thức rộng hơn.
Việc đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng tới bước cho học sinh thực hành làm bài tập nhóm, bài tập gắn với thực tế giúp các em được trải nghiệm nhiều hơn.
Trong quá trình thực hành, học sinh sẽ có nhiều điều kiện quan sát cũng như học hỏi đánh giá nhau một cách hiệu quả nhất từ đó giúp học sinh có hứng học tập hơn. Vai trò của giáo viên là tổng kết, khắc sâu kiến thức cho học sinh.