Ngày 29/5, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị Tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Bộ Công an cùng hơn 300 cán bộ, đại biểu, đại diện đến từ 31 Sở GDĐT và 68 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Bắc.
Quang cảnh hội nghị tập huấn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho biết: Hội nghị về công tác thanh tra, kiểm tra này là nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ của công tác thanh tra, phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, năm nay có những điểm mới cần phải cập nhật, nhất là từ ngày 1/7/2023, Luật Thanh tra sửa đổi có hiệu lực, Thanh tra Bộ GDĐT cũng đã cập nhật đưa vào nội dung thanh tra, kiểm tra để phù hợp.
Khẳng định tính chất quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp THP, Thứ trưởng nhận định: Tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng quy mô rộng, khối lượng công việc rất lớn, kỳ thi đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhiều chủ thể tham gia và nhận sự quan tâm của toàn xã hội. Đây là kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá kết quả 12 năm học tập của học sinh, cũng như chất lượng công tác dạy học, quản lý của nhà trường, là một trong những điều kiện để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề. Do đó, đòi hỏi sự nghiêm minh, công bằng, khách quan, trung thực.
Theo Thứ trưởng, một trong những chủ thể có đóng góp quan trọng, đảm bảo kỳ thi an toàn nghiêm túc, đúng quy chế là lực lượng thanh tra. Với những nỗ lực và kết quả trong triển khai nhiệm vụ của lực lượng thanh tra từ kỳ thi những năm trước, Thứ trưởng mong rằng, năm 2023 lực lượng thanh tra sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế để công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát của kỳ thi năm 2023 đạt được hiệu quả.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tập huấn thanh tra, kiểm tra, Thứ trưởng đề nghị, ngoài những tài liệu đã cung cấp, các báo cáo viên cần phổ biến những nội dung cốt lõi nhất, quan trọng nhất, đưa ra những tình huống, những vấn đề thường hoặc dễ phát sinh tiêu cực, rủi ro để cùng thảo luận và dự báo trước.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị
“Nhiệm vụ của chúng ta là tạo ra một kỳ thi nghiêm túc an toàn, nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng, không căng thẳng quá mức”, chia sẻ điều này, Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh đến việc phòng ngừa, ngăn chặn và phương pháp, cách thức, thái độ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Cụ thể, đó là làm việc đúng quy chế, đúng quy định, đúng chức trách, nhiệm vụ; thái độ làm việc nhẹ nhàng, thân thiện, nhưng vẫn nghiêm túc, cương quyết. Chú trọng công tác phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa Thanh tra Bộ GDĐT với các đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ, thanh tra của địa phương, với Bộ Công an và các lực lượng khác. Coi trọng sự chủ động của thanh tra trong xây dựng kế hoạch, đề xuất nội dung, thời điểm để bảo đảm vừa bao quát nhiệm vụ, vừa trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo.
Sau tập huấn, Thứ trưởng đề nghị, Thanh tra Bộ tiếp nhận, tổng hợp các ý kiến và trả lời đầy đủ những ý kiến được nêu trong hội nghị. Các cán bộ dự hội nghị về địa phương, nhà trường quán triệt lại, dành tâm sức, trí tuệ, thời gian cho công tác tác thanh tra, kiểm tra để đạt kết quả thực chất.
Thông tin tại hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Đức Cường cho biết: Bộ GDĐT thành lập 4 đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Lãnh đạo Bộ làm việc với Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Sở GDĐT, Hội đồng thi. Thành viên đoàn là các thành viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia, tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo cấp quốc gia.
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường trao đổi tại Hội nghị
Tại địa phương, Sở GDĐT tham mưu Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo quy định của Quy chế thi.
Công tác thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện đúng Quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi, chỉ đạo của Bộ GDĐT; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, khách quan. Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GDĐT, UBND tỉnh và Sở GDĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi.
Việc chỉ đạo, tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo nguyên tắc độc lập của hoạt động thanh tra, kiểm tra, không bỏ sót, khoảng trống, không bị động. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi khoa học, phù hợp, không chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Tại hội nghị, đại diện Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an đã tập huấn, hướng dẫn về kiểm tra, phát hiện thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong kỳ thi. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã được hướng dẫn, tập huấn, thảo luận, trao đổi, nêu băn khoăn và được giải đáp về Quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2023; hướng dẫn phòng chống gian lận thiết bị công nghệ cao; nghiệp vụ đoàn thanh tra, kiểm tra thi.
- NHỮNG LÝ DO BẠN NÊN LỰA CHỌN NGÀNH CHĂM SÓC SẮC ĐẸP
- CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG HÌNH THỨC VLVH NGÀNH TIN HỌC ỨNG DỤNG
- CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH CAO ĐẲNG DƯỢC TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ Y – DƯỢC VIỆT NAM
- Dịch corona đến ngày 19-2: Trung Quốc thêm 136 người chết, hơn 9.100 người được chữa khỏi
- Địa chỉ trường cao đẳng công nghệ Y Dược Việt Nam