Vì sao thuốc giảm đau, chống viêm lại gây đau dạ dày?

Vì sao thuốc giảm đau, chống viêm lại gây đau dạ dày?

SKĐS – Thuốc giảm đau, chống viêm là một thuốc thường được dùng để giảm đau. Tuy nhiên, thuốc có thể gây khó chịu cho dạ dày. Đâu là nguyên nhân?

Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen có tác dụng giảm đau và giảm viêm nhưng đôi khi có thể gây khó chịu cho dạ dày.

1.Thuốc giảm đau, chống viêm NSAID là gì?

Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) là một loại thuốc giúp giảm đau, chống viêm, hạ sốt, không có cấu trúc steroid. NSAID là thuốc giảm đau ngoại vi, không gây nghiện.

NSAID chiếm 8% đơn thuốc trên toàn thế giới và đặc biệt phổ biến ở những người từ 65 tuổi trở lên.

NSAID được dùng để giảm đau do tổn thương mô, đau đầu, viêm xương khớp, sốt, đau bụng kinh. Thuốc có nhiều dạng khác nhau, bao gồm dạng lỏng, viên nén, viên nang, gel, kem, thuốc đạn…

Các loại thuốc NSAID không kê đơn phổ biến: Aspirin, ibuprofen, naproxen natri.

Các loại thuốc NSAID kê đơn phổ biến: Celecoxib (celebrex), diclofenac (voltaren), fenoprofen (nalfon), indomethacin (indocin), ketorolac (toradol).

Thuốc giảm đau chống viêm NSAID được dùng trong điều trị đau.

2.Thuốc NAIDS có gây tác dụng phụ không?

Cũng như các thuốc khác, NSAID cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Khoảng 1/3 số người dùng NSAID gặp phải các triệu chứng đau dạ dày như đau ở vùng bụng trên, đầy hơi, buồn nôn sau bữa ăn, đầy bụng, ợ hơi, trào ngược dạ dày thực quả.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của NSAID: Đầy hơi, ợ nóng, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, loét dạ dày tá tràng, chóng mặt, khó tập trung, đau đầu nhẹ.

Khoảng 20% bệnh nhân có những triệu chứng này lại không bị ảnh hưởng đến dạ dày. Nhưng có tới 70% người dùng NSAID lâu dài có thể phát triển các bất thường ở dạ dày như xói mòn niêm mạc, loét và chảy máu dưới biểu mô.

Thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID) có thể gây khó chịu cho dạ dày.

 

3.Tại sao thuốc NSAID lại gây hại cho dạ dày?

 

NSAID có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ ở đường tiêu hóa bao gồm viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, khó tiêu, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, thậm chí xuất huyết đường tiêu hóa trên, thủng dạ dày/tá tràng…

NSAID ảnh hưởng đến đường tiêu hóa là do thuốc làm giảm mức prostaglandin bảo vệ niêm mạc, gây ra nguy cơ hình thành loét cao hơn.

Ngoài ra, các thuốc này cũng gây ra tình trạng tăng tiết axit dạ dày và giảm tiết dịch nhầy ở niêm mạc ruột, dẫn đến tổn thương đường ruột. NSAID không chỉ liên quan đến viêm dạ dày, loét dạ dày và ruột non mà còn có thể gây loét ở đại tràng.

4. Ai có nguy cơ cao bị ảnh hưởng dạ dày khi uống NSAID?

Những trường hợp có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến dạ dày khi uống NSAID bao gồm:

– Những người sử dụng NSAID lâu dài.

– Người trên 60 tuổi có nguy cơ mắc các vấn đề về đường ruột liên quan đến NSAID cao hơn.

Nếu bệnh nhân cần sử dụng NSAID trong thời gian dài, nên dùng thuốc cùng với thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc chẹn H2 để giảm nguy cơ viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng.

Ngoài ra, với những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh loét dạ dày tá tràng nên xét nghiệm H.pylori nếu phải sử dụng NSAID kéo dài hơn hai tháng.

Nguồn: Báo Sức khỏe&Đời sống