Việt Nam làm gì để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ ‘nóng’ trên thế giới?

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh này xâm nhập vào nước ta rất lớn do ca bệnh hiện đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, rồi sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Tại cuộc họp khẩn diễn ra chiều 24/7 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì các chuyên gia nhận định Việt Nam chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ tuy nhiên nguy cơ bệnh này xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

Bệnh đậu mùa khỉ đang khiến hơn 16 nghìn người mắc, nguy hiểm thế nào?

Từ đầu năm đến nay, thế giới ghi nhận hơn 16 nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Biểu hiện của triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Việt Nam làm gì để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ 'nóng' trên thế giới? - Ảnh 2.

PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến về phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta chiều chủ nhật 24/7

Bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm virus đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết. Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.

Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

BS Đỗ Hồng Hiên – Chuyên gia dịch tễ của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Về triệu chứng, 88% bệnh nhân có biểu hiện phát ban, 44% sốt, 33% phát ban ở sinh dục; 27% có sưng nổi hạch ngoại biên. Các triệu chứng không điển hình khác là ho, đau họng, nôn, đỏ mắt…

“Việt Nam phải chuẩn bị năng lực về chẩn đoán, cách ly cũng như quản lý ca bệnh để khi có ca bệnh để hạn chế tối đa lây lan cũng như tử vong. Về quản lý ca bệnh và điều trị, chúng ta phải sàng lọc phân luồng, tránh lây nhiễm chéo. Bệnh nhân được chẩn đoán với các biểu hiện phát ban, sốt, sưng hạch… phải đánh giá nguy cơ có thể diễn biến thành ca nặng hay không” – BS Đỗ Hồng Hiên khuyến cáo.

Với những ca bệnh biểu hiện nhẹ, không có nguy cơ biến chứng, có thể để bệnh nhân cách ly tại nhà, thực hành nghiêm túc các nguyên tắc về lây nhiễm chéo. “Điều trị đậu mùa khỉ chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng. Nếu có biển hiện diễn biến nặng hay có biến chứng, bệnh nhân phải ngay lập tức vào cơ sở khám chữa bệnh”- chuyên gia của WHO nói.

Với đậu mùa khỉ tránh điều trị kháng sinh, trừ trường hợp có các nốt phát ban nguy cơ nhiễm trùng, bội nhiễm. “Các bệnh nhân phần lớn nhẹ, tự khỏi trong vài tuần. Chúng ta đánh giá nguy cơ chuyển nặng, lây lan như thế nào có chăm sóc, động viên về tinh thần để tránh bệnh nhân trầm cảm, mất ngủ… Những điều này để tránh nguy cơ bệnh nặng”- BS Hồng Hiên nhấn mạnh.

Việt Nam làm gì để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ?

Ngay sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế họp khẩn vào chiều chủ nhật ngày 24/7 do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với sự tham dự của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Sở Y tế một số thành phố lớn, đại diện WHO tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới.

Thông tin của Bộ Y tế cho biết, ngay từ tháng 5/2022 (thời điểm ghi nhận sự gia tăng nhanh những ca bệnh tại châu Âu), Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ; chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ chuẩn đoán, xác định ca bệnh, các Sở Y tế tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, tại các cơ sở y tế và tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời.

Liên tục liên hệ với WHO, US-CDC, cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và các tổ chức khác để cập nhật trao đổi, tin về tình hình dịch bệnh. Đồng thời Bộ Y tế xây dựng các Infographic Khuyến cáo phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; phối hợp WHO Việt Nam hoàn thiện bản tiếng Việt Bộ tài liệu hỏi – đáp về bệnh đậu mùa khỉ và cung cấp đến các cơ quan báo chí, 63 tỉnh, thành phố để truyền thông đến người dân.

Việt Nam làm gì để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ 'nóng' trên thế giới? - Ảnh 4.

Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp sẵn sàng dự phòng đáp ứng với dịch bệnh đậu mùa khỉ

Bộ Y tế xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ; liên hệ với các tổ chức quốc tế và các đơn vị liên quan để chuẩn bị sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm.

Đối với công tác điều trị, trong tuần này Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ tiến hành tập huấn cho các cơ sở y tế. Đa số ca bệnh đều là những trường hợp nhẹ, một số trường hợp có biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, biến chứng phổi, não. Theo đó sẽ phân chia tuyến xã, huyện điều trị ca nhẹ; tuyến tỉnh và tuyến cuối điều trị ca biến chứng.

Tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, nông nghiệp và các bộ ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.

Theo SKĐS